KỸ THUẬT BÓN PHÂN CHO CÂY CAM - QUÝT

Mục lục

    KỸ THUẬT BÓN PHÂN CHO CÂY CAM - QUÝT

    Ngày đăng: 09/12/2022 10:19 PM

    Bón phân mất cân đối có thể gây ảnh hưởng đến phẩm chất trái Cam - Quýt

    Phẩm chất trái cam quýt bao gồm hình dáng, kích thước trái, cấu trúc vỏ, độ nhăn và màu sắc của vỏ hoặc phẩm chất bên trong đặc trưng bằng những yếu tố như lượng dịch trái, tổng số chất hòa tan và độ chua. 

    Nguồn: Tuquy

    Nhận xét một cách tổng quát là bón nhiều phân Đạm hơn có chiều hướng làm quả nhỏ đi, tăng tỷ lệ trái xanh có cấu trúc vỏ ngoài xấu. Nguyên nhân một phần là do cây ra nhiều trái (độ lớn của trái có chiều hướng thay đổi ngược chiều với số trái của cây). Ngoài ra, ảnh hưởng của Đạm còn tùy thuộc vào nhu cầu Đạm của đất trồng. Do đó đôi khi có thay đổi đáng kể trên năng suất của trái. Ở những chân đất màu mỡ, ảnh hưởng của phân Đạm là không đáng kể.

    Trong điều kiện lượng Lân dễ tiêu thấp, việc thừa Đạm càng có ảnh hưởng xấu đến phẩm chất trái. Tuy nhiên, việc bón thừa Lân cũng làm cho trái thô và phẩm chất giảm.

    Trong những thí nghiệm với cam Valencia ghép trên gốc chanh dại trồng trong 3.5 năm ở đất cát rộng ngoài trời được bón các chất dinh dưỡng khác nhau. Switch, Reuther và Seudder (1953) thấy rằng, mức Đạm bón cao nhất làm năng suất tăng 9 lần nhưng lại làm trái nhỏ đi, tăng tỷ lệ dịch trái và tổng số chất hòa tan, làm giảm tỷ lệ acid ascorbic (Vitamin C) trong dịch trái so với mức Đạm thấp nhất. Độ dày của vỏ trái và độ chua của dịch trái không khác nhau rõ rệt.

    Mức bón Kali cao nhất làm tăng độ lớn trung bình của trái và độ dày của vỏ trái, làm giảm tỷ lệ dịch trái, tổng số chất hòa tan và làm tăng độ chua của dịch trái, so với mức bón Kali thấp nhất. Bón Kali không ảnh hưởng đến Vitamin C. Mức bón Kali không ảnh hưởng đến năng suất của cây nhưng lại ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ các loại trái (theo độ lớn). Bón nhiều Kali (khoảng 1.7% Kali trong chất khô của lá ra mùa xuân 9 tháng tuổi) có chiều hướng tạo được một tỷ lệ cao những trái lớn, chín muộn, màu sắc xấu, có vỏ dày, thô và dịch trái có tỷ lệ tổng số chất hòa tan thấp. Mức bón Kali thấp ( khoảng 0.8% chất khô ở lá) tạo được một tỷ lệ cao những trái nhỏ, chín sớm, màu sắc đẹp, vỏ mỏng, bóng, dịch trái có tỷ lệ chất hòa tan tương đối cao và tổng số acid thấp.

    Thời điểm bón phân

    Việc xác định thời điểm bón phân không quan trọng bằng tổng số phân bón hằng năm. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp Đạm thường chia ra làm 3 lần bón: Trước khi cây ra hoa, trong khi trái phát triển và sau vụ thu hoạch. Cần bón Đạm trước khi cây ra hoa rộ nhằm dự trữ sẵn đạm khi hoa bắt đầu nở và đầu thời kỳ phát triển trái khi cây có nhu cầu Đạm lớn. Nhu cầu Kali thường lớn vào cuối giai đoạn phát triển trái.

    Số lượng phân bón hằng năm

    Tùy theo đất đai, giống, tình hình sinh trưởng của cây mà ra quyết định số lượng phân bón cho thích hợp. Về cơ bản, các loại phân Đạm, Lân và Kali cần được cung cấp cho cây đầy đủ, bên cạnh đó, phân hữu cơ và các nguyên tố vi lượng cũng cần được bổ sung để đạt được năng suất cao. Sau đây là số lượng phân bón đề nghị hằng năm cho cây.

    Bảng: Chế độ phân bón cho các loại cam quýt

    Năm tuổi

    N (Gram/Cây)

    P2O5 (Gram/Cây) K2O (Gram/Cây)
    1 - 3 50 - 150 50 - 100 60
    4 - 6 200 - 250  150 - 200 120
    7 - 9 300 - 400 250 - 300 180
    Từ 10 tuổi trở lên 400 - 800 350 - 400 240

    Trong đó: N, P2O5, K2O là hàm lượng Đạm nguyên chất, Lân nguyên chất, Kali nguyên chất

    Cách bón phân hiệu quả, hợp lý

    Đối với cây 1-3 năm tuổi:

    • Phân Lân và Kali: bón 1 lần vào cuối mùa mưa.
    • Phân Đạm: Bón mỗi năm 3-4 lần, chia đều mỗi lần bón. Có thể pha vào nước để tưới tưới năm đầu tiên, sau đó thì bón gốc.

    Đối với cây bắt đầu thu trái:

    • Lần 1: Trước khi cây ra hoa (kết hợp lúc bắt đầu tưới nước trở lại sau khi siết nước), bón 1/3 số lượng phân Đạm.
    • Lần 2: Sau khi đậu trái khoảng 6-8 tuần bón 1/3 số lượng phân Đạm và ½ số lượng phân Kali.
    • Lần 3: Trước khi thu hoạch trái khoảng 1-2 tháng bón ½ số lượng phân Kali còn lại.
    • Lần 4: Sau khi thu hoạch trái, bón toàn bộ phân Lân và 1/3 phân Đạm. Cần bón thêm phân hữu cơ với số lượng 10-20 kg/gốc.

    Việc bón phân hữu cơ, nhất là phân chuồng rất quan trọng rất quan trọng trong canh tác cam quýt vì có tác dụng làm cho đất tơi xốp, giữ được dinh dưỡng nhiều hơn để cung cấp cho cây, hạn chế các bệnh gây hại trên rễ… Tuy nhiên, việc này đôi khi lại làm cho côn trùng gây hại phát triển nhanh trong đất mà hoạt động của chúng có ảnh hưởng đến rễ và cây. Ngoài ra, mối và rệp sáp cũng có thể phát triển nhiều phá hoại rễ, do đó, cần có biện pháp phòng trị thích hợp.

    Việc bón phân có thể được tiến hành bằng cách tưới cho cây ở giai đoạn 1 năm tuổi. Từ năm thứ 2 trở đi thì bón gốc: Đào rãnh sâu khoảng 5 cm chung quanh gốc, cách gốc khoảng 0.75-1 mét cho phân vào, lấp đất lại và tưới. Khi cây đã giao tán thì cuốc nhẹ toàn líp rồi bón phân. Cần phải cẩn thận để tránh làm hại rễ do rải phân không đều, không được bón phân vào thân cây. Trong một số trường hợp cần thiết có thể phun urê lên lá với nồng độ khoảng 0.5%, nếu cây mới ra lá non thì sử dụng nồng độ thấp hơn.

    Một số lưu ý khác khi chăm sóc gốc cây cam quýt

    • Ở các vườn chưa giao tán, cần làm cỏ thường xuyên, nhất là trong mùa mưa, để tránh cạnh tranh về dinh dưỡng. Trong mùa nắng, cỏ làm xong nên phơi khô để để đậy líp. Trong mùa mưa,  có thể ngâm cỏ dưới các mương vườn để tạo chất mùn bồi líp.
    • Do rễ lông của cam quýt mọc yếu và cạn gần lớp đất mặt nên dễ bị tổn thương do nhiệt độ cao trong mùa nắng, do đó việc tủ gốc là một biện pháp quan trọng giúp giữ ẩm cho đất và bảo vệ rễ. Dùng cỏ khô hay các xác bã thực vật dư thừa khác như rơm rạ, thân bắp, lục bình phơi khô… để đậy gốc, líp.
    • Việc xới đất cần thực hiện hằng năm để giúp đất thông thoáng, cung cấp thêm oxy cho rễ. Gần gốc thì xới cạn, giữa các hàng thì xới sâu hơn. Độ sâu xới khoảng 5 cm.

    Trên đây là những chia sẽ về Kỹ Thuật Bón Phân Cho cây Cam - Quýt hợp lý, Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng và có được một mùa vụ bội thu!
    Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn:  
    https://phanbontuquy.vn/lien-he
    Xin Cảm Ơn!

    Zalo
    Hotline