Cây thanh long là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương trong cả nước, nổi tiếng như Bình Thuận, Châu Thành-Long An, Chợ Gạo (Tiền Giang). Thanh long là loài thực vật ra hoa phụ thuộc vào quang kỳ (ngày dài đêm ngắn), cuối tháng ba âm lịch, là giai đoạn thanh long bắt đầu ra hoa tự nhiên (hàng mùa). Tuy nhiên, sau vụ đèn, vườn thanh long bị mất đi một lượng lớn dinh dưỡng dự trữ trong dây, làm cho dây thanh long bị mềm, ốm và vàng vọt. Lúc này, dây sẽ không đủ sức để tạo nụ hoa cho hàng mùa (số lượng nụ ít do dây mất sức). Đồng thời, dễ bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt là đốm nâu, đốm trắng, thán thư, thối cành, thối nhũn. Do đó, cần xử lý vườn sau thu hoạch vụ đèn để chống chọi với sâu bệnh, điều kiện thời tiết bất lợi mùa mưa và tạo lực cho thanh long nuôi trái hằng mùa.
Thanh long đang trong vụ chông đèn
Tỉa cành, tạo tán, cắt bỏ nguồn bệnh
Sau khi thu hoạch vụ đèn, cần cắt bỏ những vết bệnh, nếu nặng cần cắt bỏ cành để loại bỏ nguồn bệnh, những cành bệnh sau khi cắt cần được thu gom, tập trung vào một khu vực, rải vôi vào để tiêu diệt nguồn bệnh. Không nên để cành bệnh ngay dưới gốc, mương thoát nước hoặc gần nguồn nước tưới, điều này sẽ làm nguồn vi khuẩn, bào tử nấm lây lan ngược lại vườn.
Với các cành mọc ở những vị trí không phù hợp, quá nhiều cơi non trên một dây chính, làm mất cân đối phân bổ ánh sáng và dinh dưỡng trên trụ cũng cần phải loại bỏ. Mỗi đợt một dây chính chỉ nên nuôi một cơi, chỉ lấy các cơi trên đầu trụ, các cơi trên trụ phải phân bổ đều, tạo tán tròn.
Sau khi tỉa cành, cắt hết nguồn bệnh, có thể phun các loại thuốc trừ nấm phổ rộng như mancozeb, metalaxyl, gốc đồng hoặc rải vôi lên toàn bộ trụ để ngăn ngừa mầm bệnh còn trong không khi tấn công vào dây, nhất là cơi non và các vết vừa cắt. Đặc biệt là giai đoạn đầu mùa mưa như hiện nay, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi để nấm bệnh phát triển. Do đó, phun ngừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Bón phân, cung cấp dinh dưỡng phục hồi vườn
Tiếp theo, bón phân để cung cấp dinh dưỡng phục hồi dây sâu khi thu hoạch vụ đèn, tạo nguồn dinh dưỡng phát triển nụ, trái và cơi non.
- Bón gốc bằng phân hữu cơ: Theo khuyến cáo, mỗi năm bón 2 lần phân hữu cơ vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây vừa cải tạo và che phủ cho đất. Liều lượng bón từ 10-15 kg phân chuồng hoai mục hoặc 2-5 kg phân hữu cơ/ trụ.
- Bón gốc bằng phân hóa học: 3,6 kg phân lân + 200g Urea/trụ + 150g KCl/trụ (cây từ 3-5 năm tuổi) hoặc 3,6 kg phân lân + 300g Urea + 250g KCl (cây >5 năm tuổi), bón cách gốc 20-40 cm. Có thể thay thế phân đơn bằng NPK hỗn hợp, bón 0,5 kg NPK 20-20-15/trụ. Kết hợp thêm Humic theo tỉ lệ 10-20 kg NPK trộn với 1 kg Humic bón cho cây. Humic giúp cho bộ rễ khỏe mạnh, hấp thu dinh dưỡng nhanh hơn để cây phục hồi. Sau khi bón phân, sử dụng rơm rạ để che phủ và cần tưới nước cho phân tan.
- Phân bón lá: sau khi thu hoạch và cắt tỉa cành tạo tán, tiến hành phun phân bón lá NPK 33-11-11, phun 3 lần, cách nhau 7 ngày, 15g/bình 8 lít hoặc theo hướng dẫn.
- Tưới dưỡng rễ: khi giá phân bón ngày càng tăng như hiện nay, thì can tưới dưỡng rễ là nguồn thay thế có tính kinh tế có thể hướng tới. Với ưu điểm là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu, cây trồng hấp thu nhanh, ít thất thoát giúp cây phục hồi nhanh. Đồng thời, còn bổ sung nguồn vi lượng cần thiết như Mg, Zn, Cu, Bo, Mn…. cho các hoạt động sống cũng như chống chịu sâu bệnh của cây.
Chăm sóc cây sau khi cây ra hoa vụ thuận
Trụ thanh long ra hoa, có nhiều hoa trên một dây
nên cần tiến hành tỉa bớt
Sau khi vườn đã phục hồi, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cây sẽ ra hoa tự nhiên. Hoa xuất hiện nhiều ở những cành vừa trưởng thành (cành không quá già cũng không quá non). Một chu kỳ của thanh long từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 48-55 ngày (nắng nhiều sẽ giúp trái phát triển nhanh hơn so với khi ít nắng hoặc thời tiết lạnh), được chia làm 2 giai đoạn: từ ra hoa đến khi trổ hoa từ 18-20 ngày, từ khi trổ hoa (thành trái) đến chín là 30-35 ngày. Số lượng hoa không đồng đều ở mỗi cành và nhiều hoa khiến cây không thể nuôi hết, nên cần tiến hành tỉa bỏ để cây tập trung dinh dưỡng. Đầu tiên, tiến hành tỉa bớt hoa và trái: Lần 1: (sau khi ra nụ 7 ngày) chừa 2-3 nụ trên mỗi cành, loại bỏ những nụ dị dạng, nụ đực, sâu bệnh, chọn 2-3 nụ phát triển tốt nhất trên mỗi cành. Nên chọn những nụ ở 2 mắt xa nhau, đồng đều về hình dáng và kích cỡ. Khi nụ hoa được 14 ngày, bắt đầu tỉa lần 2, chỉ giữ lại 1 hoa trên mỗi cành, lựa hoa xanh sáng, mập, tròn đều, không bị sâu bệnh tấn công. Lần 3 (khi trái được 7 ngày): tỉa bỏ những trái bị chai sượng, vỏ trái dày, tai trái không đẹp và trái bị sâu bệnh.
Nụ Thanh Long 7 ngày và 12 ngày
Tiếp theo, để trái có được mẫu mã đẹp khi thu hoạch, nhà vườn cần phun ngừa sâu bệnh tấn công từ ngay khi nụ hoa vừa xuất hiện đến khi thu hoạch. Ở giai đoạn nụ hoa và trái non, các loại sâu gây hại sẽ tấn công mạnh vào giai đoạn này. Tiêu biểu như: kiến, bọ trĩ (từ nụ hoa đến trái 12 ngày), bọ xít (từ nụ hoa đến khi hoa trổ), rệp sáp, ngâu (từ khi có nụ hoa đến khi trái chín, gây hại mạnh nhất từ nụ đến trái non)… Nấm bệnh cũng tấn công mạnh mẽ vào giai đoạn này như thán thư, đốm nâu, đốm trắng, bồ hóng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái khi thu hoạch. Để hiểu rõ hơn về biện pháp phòng ngừa, phòng trị các loại sâu bệnh hại, mời bà con tham khảo bài viết “NHẬN BIẾT MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI TRÊN THANH LONG” của chúng tôi.
Ngoài ra, trái thanh long đẹp, đủ tiêu chuẩn về mẫu mã để xuất bán sẽ bao gồm: ba tai đầu dài hơn 7 cm, trọng lượng trái từ 380-700 gram tùy vào nhu cầu của thị trường xuất khẩu, tai trái phải xanh và vỏ trái chín đều, đỏ. Để đạt được tiêu chuẩn trên cần:
- Phun dưỡng nụ: Lần 1 khi nụ 7 ngày, lần 2 khi nụ 12 ngày. Hai lần phun này giúp cho nụ hoa mập, tròn, tai nghoe phát triển tạo tiền đề cho trái sau này. Lần 3 trước khi trổ hoa 1-2 ngày. Đây là lần quan trọng nhất quyết định đến độ dài của ba tai đầu.
Nụ chuẩn bị trổ, đây là thời điểm phun dưỡng nụ lần 3 để có ba tai đầu đẹp
- Phun dưỡng trái non 2 lần vào ngày thứ 7 và ngày 12 sau khi trổ hoa. Cũng như phun dưỡng nụ lần 1 và 2, phun dưỡng trái non tạo tiền đề giúp tai trái phát triển, trái lớn nhanh về kích thước và trọng lượng trái.
Giai đoạn trái non nếu được phun dưỡng trái da trái xanh sáng, tai trái dày đẹp, trái
- Để tạo được tai xanh cần tiến hành vuốt tai 2-3 lần. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm qua, đối với hàng mùa chỉ cần vuốt 2 lần là đủ. Lần 1 khi trái 15-18 ngày, vuốt 2/3 tai trái. Lần 2 khi trái bắt đầu ửng ở nách tai (22-25 ngày), lần này vuốt 1/2-1/3 tai tùy loại thuốc. Khi vuốt cần tránh thuốc chạm hoặc chảy vào vỏ trái, làm cho trái bị lam, khó chín ở vị trí đó.
Trái được vuốt tai (Bên trái) khi trái chín có tai xanh, đẹp.
Trái không được vuốt tai (Bên phải) bị đỏ tai, không bán được.
- Cuối cùng, tạo màu cho trái khi vào giai đoạn cuối của trái giúp trái chín đều, không lam. Tạo màu được phun khi trái được 18 ngày và trước khi vuốt tai lần 2. Ngoài việc giúp vỏ trái chín đẹp, tạo màu còn giúp cho trái nặng hơn do có hàm lượng kali cao.
Trái thanh long bị lam khi chín, có nhiều nguyên nhân: Vuốt tai thuốc bị chảy,
phun thuốc dưỡng trái quá ướt, thừa đạm….
Trên đây là những chia sẽ về biện pháp Xử Lý Vườn Thanh Long sau vụ Chông Đèn, Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng và quản lý vườn cây của mình hiệu quả!
Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn sau: http://phanbontuquy.vn/lien-he
Xin Cảm Ơn!