RỤNG BÔNG VÀ TRÁI NON Ở SẦU RIÊNG - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

Mục lục

    RỤNG BÔNG VÀ TRÁI NON Ở SẦU RIÊNG - NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH KHẮC PHỤC

    Ngày đăng: 09/01/2023 10:56 AM

    Sầu Riêng lâu nay được mệnh danh là "Vua của các loại trái cây" không chỉ bởi hương vị thơm ngon đặc trưng vốn có của nó, mà còn vì những lợi ích kinh tế lâu dài mà sầu riêng mang lại cho ngành trồng trọt nước ta. Tuy nhiên, để trồng được sầu riêng khỏe mạnh, trái to, nhiều, dày cơm và đạt năng suất cao không phải là điều dễ dàng. Trong nhiều năm qua, hiện tượng rụng hoa và trái non ở Sầu Riêng là vấn đề phổ biến, thường gặp đối với nhiều nhà vườn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng nông sản cũng như thiệt hại kinh tế, gây thất thu cho nhiều hộ trồng sầu riêng và nền nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sầu riêng rụng hoa và trái non như rụng sinh lý, cây ra đọt non, sâu bệnh tấn công, ...

    Rụng do sinh lý

    Sau khi đậu trái, sẽ có một đợt rụng trái non sinh lý do cây không đủ sức để nuôi toàn bộ trái. Cây sẽ tiết ra Ethylene để hình thành tầng rời ở cuống trái, kích thích trái rụng. Giai đoạn từ 15-20 ngày sau khi đậu trái là giai đoạn trái rụng nhiều nhất.
    Để khắc phục hiện tượng trên, bà con cần tỉa trái, tỉa bông. Tỉa bỏ những chùm gần nhau và gần đầu cành, những trái méo mó và sâu bệnh. Đồng thời, khi cây được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ hạn chế rụng trái non. Cây chỉ tiết ethylene khi vượt quá sức nuôi của cây. Đồng thời, phun các sản phẩm chống rụng trái non để hạn chế hình thành tầng rời.
    Một biện pháp nữa là cung cấp CanxiBo trong giai đoạn ra hoa và đậu quả cũng giúp chống rụng trái non. Bo giúp tăng cường số lượng hạt phấn, tăng sức sống phấn hoa qua đó làm tăng khả năng thụ phấn, tăng đậu trái, chống móp méo trái. Canxi giúp cây trồng đề kháng sâu bệnh tốt hơn, tăng cường khả năng hấp thu Bo. Bo cũng cải thiện sự hấp thu và chuyển vị Canxi. Do đó, Canxi và Bo thường được kết hợp với nhau để kích thích trái lớn nhanh, tăng kích thước, chắc ruột và nặng ký hơn.

    Phân vi lượng Tứ Quý Canxi-Bo

    Phân vi lượng Tứ Quý Canxi-Bo là sản phẩm chất lượng với hàm lượng dinh dưỡng cao được nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tin dùng trong nhiều năm qua. Phân vi lượng Tứ Quý Canxi-Bo giúp cung cấp Canxi và Bo tức thời trong giai đoạn ra hoa, đậu quả,chống khô chồi hoa, kéo dài và gia tăng sức sống của hạt phấn trong điều kiện bất lợi, ngăn ngừa hiện tượng rụng bông và trái non, chống thối cuống, chống nứt trái, tăng cường sức đề kháng của cây giúp cây chống chịu với sâu bệnh. Sản phẩm còn chưa đầy đủ khoáng vi lượng như Mg2+, Zn2+, Cu2+… giúp cây quang hợp tốt, không bị chai sượng trái. Sản phẩm sử dụng với liều lượng 30ml/bình 25 lít, phun 3-4 lần từ khi ra hoa đến khi nuôi trái.

    Rụng do cây ra đọt non

    Khi sầu riêng đang vào giai đoạn sổ nhụy và trái non, nếu cây ra đọt sẽ làm cho bông và trái bị rụng do sự cạnh tranh dinh dưỡng. Theo cơ chế tự nhiên của cây trồng, chúng sẽ ưu tiên dinh dưỡng cho đọt nhiều hơn cho bông và trái, hậu quả là rụng hàng loạt. Nguyên nhân ra cơi đọt mới khi đang mang bông và trái: (1) Đây là cơ chế tự nhiên của cây, cây phát triển đọt mới để tăng cường quang hợp, cung cấp tinh bột cho trái khi trái lớn; (2) Do bón dư đạm, điều này không chỉ làm cho cây ra đọt mới mà còn làm cho cây dễ bị sâu bệnh tấn công.
    Để sầu riêng không đi đọt non trong quá trình cây đang mang hoa và trái, bà con có thể hãm đọt bằng cách phun qua lá Tứ Quý MKP 0-52-34 hoặc Tứ Quý Paclobutrazol theo liều hướng dẫn khi thấy cây xuất hiện chồi non.

    Rụng do thiếu dinh dưỡng

    Trong giai đoạn này, nhu cầu về dinh dưỡng của cây rất lớn, khi thiếu dinh dưỡng sẽ gây ra hiện tượng rụng do cây không đủ sức để nuôi. Cơ chế rụng giống như rụng do sinh lý, cây chỉ giữ lại số lượng vừa đủ theo sức của cây. Do đó, trước khi làm bông 3 tháng, cần bón 10-15 kg/ gốc phân hữu cơ, bón 0.5-1 kg phân NPK 16-16-16 và bổ sung humic (tỉ lệ 10 NPK : 1 Humic) để kích thích phát triển bộ rễ giúp hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, định kỳ 1 tháng 1 lần.
    Tuy nhiên, giai đoạn cây đang xổ nhụy, không nên bón phân vào gốc. Nên bón gốc sau khi xổ nhụy dứt điểm 7 ngày để cây tiếp tục nuôi trái non, chia nhiều lần bón định kỳ 7-10 ngày 1 lần. Có thể phun qua lá K + 20-20-20 để cung cấp dinh dưỡng nhanh cho cây, giúp cây sinh trưởng tốt, chống rụng trái và cải thiện chất lượng trái sau này.

    Rụng trái do sâu bệnh tấn công

    Khi bị côn trùng như bọ xít, rệp sáp, rầy xanh, nhện đỏ, sâu ăn bông và sâu đục quả tấn công. Chúng hút nhựa cây và dinh dưỡng trong bông và trái, gây tổn thương cơ học tại vị trí chích hút dẫn đến rụng bông và trái hàng loạt, hoặc làm cho trái dị dạng, méo mó, mất phẩm chất khi thu hoạch. Ngoài ra, nấm bệnh cũng dễ gây hại vào những vị trí này. Biện pháp phòng trừ: tỉa vườn thông thoáng, thăm vườn thường xuyên vào giai đoạn này để phát hiện sớm, sử dụng bẫy pheromone đối với bướm sâu. Khi áp lực sâu gây hại cao hoặc ở những vườn thường xuyên bị nhiễm, cần dùng đến thuốc hóa học thì sử dụng các gốc phổ rộng như: Emamectin, Abamectin, Profenofos… hoặc các nhóm chuyên trị các loài chích hút như nhóm Neonicotinoid (lưu dẫn, 10-14 ngày): Imidacloprid, Acetamiprid, Thiamethoxam, Clothianidin, Nitenpyram…


    Một số loài sâu, chích hút gây hại cây Sầu Riêng

    Nấm bệnh, thường xuất hiện nhất là bệnh thán thư cũng gây ra hiện tượng rụng. Thán thư gây hại trên cả lá, bông và trái có biểu hiện như chóp lá, mép lá có vết khô; khô bông và rụng lác đác; trái non bị khô, có lớp trắng và rụng từ từ. Bệnh thối bông do nấm Fusarium sp. gây hại. Vết bệnh khô, có màu nâu và hơi lõm. Nấm tấn công trên lá đài (lá ôm hoa) trước, sau đó lan vào cánh hoa làm hoa thối và rụng. Ngoài ra, còn có thối bông do vi khuẩn gây hại, biểu hiện là vết bệnh ẩm hơn và không có tơ nấm. Biện pháp phòng trừ : Tỉa vườn thông thoáng, phun luân phiên các thuốc phòng bệnh có hoạt chất như Đồng oxychloride, Azoxystrobin, Difenoconazole, Hexaconazole… Nhà vườn cần lưu ý, phun ngừa nấm bệnh từ trước khi chuẩn bị làm bông (trước khi  nhú mắt cua) đến khi ra hoa đậu trái định kỳ 7-10 ngày/lần vào mùa khô hoặc 5-7 ngày vào mùa mưa, không phun khi cây đang xổ nhụy.

    Một số lưu ý khác:

    • Khi cây đang ra bông, bà con nên tưới nước như bình thường nhưng với lượng nước ít hơn để tránh hiện tượng sốc nước do tưới dập nhiều ngày một lần hoặc do mưa đột ngột dẫn đến cây bị sốc nước (cũng gây ra hiện tượng rụng).
    • Bón phân cân đối, không dư thừa đạm.
    • Thụ phấn nhân tạo lúc bông đang xổ nhụy (lúc 18 giờ - 20 giờ) để tăng khả năng đậu trái.

    Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng Rụng bông và trái non ở sầu riêng, Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng và đảm bảo được năng suất mùa vụ.
    Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn: 
    https://phanbontuquy.vn/lien-he
    Xin Cảm Ơn!

    Zalo
    Hotline