MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI TRÊN MAI VÀNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Mục lục

    MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI TRÊN MAI VÀNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

    Ngày đăng: 18/12/2022 09:56 PM

    Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, là dịp của trăm hoa khoe sắc thắm. Trong đó, mai vàng là loại hoa không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đã từ lâu, hoa mai vàng được mọi người chiêm ngưỡng, tượng trưng cho nét đẹp thanh tao, màu vàng của hoa mai được xem là màu tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang, phú quý. Mai vàng nở vào đầu năm còn mang theo mong ước bước sang năm mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Hoa mai không chỉ làm đẹp cho ngày Tết mà còn mang lại thu nhập không nhỏ cho người trồng hoa, từ những cây mai cổ thụ đến mai kiểng Bonsai.

    Để có những cây mai rực rỡ, người trồng hoa phải dày công chăm sóc trong thời gian khá dài từ bón phân, tưới nước, uốn, tỉa cành đến khâu quản lý dịch hại. Mai vàng bị nhiều loại dịch hại tấn công ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và vẻ mỹ quan của cây mai. Phân bón Tứ Quý sẽ giúp bà con nhận biết chúng qua bài viết này.

    Bệnh Nấm Hồng:


    Hình: Biểu hiện bệnh nấm hồng trên cây Mai (Nguồn: Internet)

    Bệnh nấm hồng xuất hiện khá phổ biến trên mai vàng. Bệnh nấm hồng thường tấn công vào những yếu điểm của cây mai từ cành, thân nhỏ cho đến thứ cấp thường là những cành ngón tay trở xuống của những cây bị thiếu duy dưỡng, bị lão hóa, già cỗi. Đối với những cây mai thiếu kẽm, bị nứt thân, khô thân và được trồng ở những nơi ẩm thấp lâu năm đặc biệt là những cành không tiếp xúc với ánh sáng. Trên lớp vỏ thân, cành xuất hiện những sợi tơ màu đỏ hồng li ti rất mịn,mắt thường có thể nhìn thấy, sợi nấm tấn công vào mạch nhựa, làm khô và làm nghẽn nhựa dẫn tới cành bị khô, bị chết nhát.Các đốm nấm hồng sẽ lan ra thành từng mảnh như rêu và làm chết lớp vỏ cây tại điểm đó. Bệnh gây hại nhiều vào mùa khô, mùa mưa giảm dần. Bệnh nấm hồng do một loại nấm ký sinh gây ra. Ban đầu vết bệnh chỉ là đốm nấm màu hồng (hơi giống màu đỏ hồng), xuất hiện trên cành mai, sau đó vết bệnh cứ phát triển rộng dần ra bao quanh hết cả đoạn cành, đồng thời cũng phát triển lên cả phía trên và phía dưới của chỗ bị bệnh, làm cho vết thương không chỉ bao kín hết chu vi của cành mà còn phát triển dài thêm. Nếu không phát hiện và phòng trị kịp thời, bệnh làm cây kém phát triển, gây mất giá trị thương phẩm của mai vàng và có thể gây chết cây. 
    Cách phòng trừ bệnh nấm hồng: Khi bệnh nấm hồng xuất hiện, bà con sử dụng các loại thuốc sau: Coc 85WP, Norshield 86.2WG… phun ướt đều tán và thân để diệt nấm.

    Bệnh Rỉ Sắt:


    Hình: Biểu hiện bệnh rỉ sắt trên Mai Vàng (Nguồn: Internet)

    Bệnh rỉ sắt khá phổ biến trên mai vàng. Bệnh do nấm Phragmidium mucronatum gây ra. Bệnh hại chủ yếu trên lá, đôi khi có trên cành non.Vết bệnh mới xuất hiện chỉ là những chấm nhỏ bằng đầu kim, màu vàng nâu. Sau đó vết bệnh cứ lớn dần lên như hạt tấm, đôi khi hình dạng bất định, có màu đỏ nâu như rỉ sắt, chung quanh vết bệnh có quầng vàng. Vết bệnh thể hiện ở cả mặt trên và mặt dưới của lá mai. Bị nặng, nhiều đốm bệnh chi chít mặt dưới lá, làm lá vàng và rụng sớm, ảnh hưởng đến quang hợp làm cây kém phát triển, ra hoa ít, tán cây lưa thưa, hình dạng cây xấu.  Bệnh gây hại trên cành làm cho cành ốm yếu, đọt phát triển kém và có thể héo khô. Nấm bệnh tồn tại chủ yếu trên tàn dư vụ trước và phát tán lan truyền trong không khí nhờ gió. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. 

    Cách phòng trừ bệnh rỉ sắt: Để phòng trừ bệnh rỉ sắt, nên tạo thông thoáng vườn mai; Không đặt các chậu mai khít với nhau quá; Thoát nước tốt trong mùa mưa; Nên kiểm tra vườn mai thường xuyên để phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn bệnh kịp thời; Tỉa bỏ các cành lá bệnh tập trung tiêu huỷ; Bón lân và kali tăng sức chống bệnh cho cây. Khi phát hiện có bệnh có thể sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Azoxystrobin, Hexaconazole, Difenoconazole... Phun ướt đều lên lá và thân cây. Bên cạnh, bệnh cháy lá rất thường gây hại  trên mai vàng. Bệnh cháy lá do nấm Pestalotia funerea gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá. Triệu chứng nhận biết đầu tiên ở chóp lá và mép lá bị cháy thành từng mảng, màu nâu xám. Về sau vết bệnh lan dần vào trong phiến lá, tạo thành những mảng lớn, có ranh giới rõ rệt với phần xanh còn lại của lá. Bệnh nặng có khi cháy hơn nữa lá, làm giảm khả năng quang hợp. Lá bị bệnh chuyển màu vàng và rụng sớm, cây mai bị bệnh trông rất xơ xác. Bệnh thường phát sinh trên các lá già, lá non ít bị bệnh. Bệnh thường phát sinh trên những cây mai cằn cỗi, ít chăm sóc, nhất là mai trồng trong chậu ít được bón phân. Khi phát hiện bệnh nên chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối NPK; ngắt bỏ và thu dọn các lá bệnh rụng dưới gốc, phun các loại thuốc gốc đồng (COC 85WP, Norshield 86.2WG , Funguran-OH 50 WP) hoặc Polyram 80DF…

    Bệnh Vàng Lá Sinh Lý:


    Hình: Biểu hiện Mai bị vàng lá sinh lý (Nguồn: Internet)

    Bệnh vàng lá sinh lý cũng khá phổ biến trên cây mai vàng. Triệu chứng các lá non có màu vàng nhạt hoặc trắng bạc, trên lá lộ rõ các gân lá màu xanh, phiến lá hơi bị cong lên, kích thước lá nhỏ lại, cây kém phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu dinh dưỡng, trồng trong chậu, đất xấu, ít bón phân. Khắc phục hiện tượng vàng lá sinh lý bằng cách bổ sung phân bón hữu cơ và phân hóa học NPK, có thể phun phân bón lá.

    Bệnh Địa Y (Đốm đồng tiền):


    Hình: Biểu hiện của đốm đồng tiền (Địa y) trên cây Mai (Nguồn: Ineternet)

    Triệu chứng của địa y hay còn gọi là đốm đồng tiền thường thấy có các đốm nhỏ màu xám trắng hay xám xanh trên thân và cành cây mai. Địa y là dạng cộng sinh giữa rêu và nấm. Vết bệnh loang lổ, hình tròn như đồng tiền, thân cây xù xì. Bệnh nặng nhiều vết bệnh sẽ liên kết lại thành mảng lớn có hình dạng bất định, loang lổ, cứ thế nhiều lớp chồng chất lên nhau làm cho lớp vỏ của cây dày lên, có độ xốp giống như một lớp nhung bao quanh gốc cây mai. Bệnh thường phát triển trên các thân cây lâu năm, già cỗi, lớp mô vỏ cây đã chết là môi trường cho rong rêu và các loại nấm hoại sinh phát triển. Lúc đầu bệnh chỉ tập trung ở phần thân sát gốc, về sau bệnh phát triển dần lên các nhánh. Những cây có tán lá rậm rạp, ít ánh nắng, ẩm thấp rất thích hợp cho địa y phát triển. 
    Cách phòng trừ bệnh địa y: Trên những vườn thường xuyên bị nhiễm địa y, dùng vôi hoặc thuốc gốc đồng quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng trừ bệnh.

    Bệnh Đốm Rong: 


    Hình: Biểu hiện của bệnh đống rong trên Mai Vàng (Nguồn: Internet)

    Bệnh đốm rong là một trong những bệnh phổ biến trên cây mai vàng. Bệnh do một loại tảo gây ra có tên là Cephaleuros virescens. Bệnh thường gây hại trên lá, bệnh nặng gây hại cả trên thân và cành. Triệu chứng phát hiện trên lá có những đốm tròn khoảng 3-5mm, mọc hơi nhô lên bề mặt lá, nhìn giống như một lớp nhung mịn, có màu xanh xám hoặc màu đỏ nâu, khi vết bệnh cũ chuyển sang màu xám nâu. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh, có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh thường xuất hiện trên những lá đã trưởng thành. Trên thân, cành, vết bệnh có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mảng, trên vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Nguồn bệnh có khả năng lây lan rất nhanh. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, ở những vườn mai trồng dày thiếu thông thoáng hoặc những cây mai lâu năm. 

    Cách phòng trừ bệnh đốm rong: Để phòng trừ bệnh đốm rong nên thường xuyên tỉa bỏ các cành rườm rà, tạo thông thoáng cho cây. Không nên đặt những chậu mai quá khít nhau. Khi phát hiện bệnh đốm rong trên lá, sử dụng thuốc gốc đồng hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…) phun trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc đồng quét lên thân, cành. Trên những cây mai thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong có thể dùng vôi quét lên thân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để phòng ngừa bệnh.

    Một số loài Sâu Hại phổ biến trên Mai Vàng:

    Bọ Trĩ


    Hình: Bọ trĩ hại cây trồng (Nguồn: Internet)

    Sâu hại phổ biến nhất trên mai vàng là bọ trĩ (bù lạch). Bọ trĩ có kích thước rất nhỏ, dài 1-2 mm. Trưởng thành dạng thon, có màu vàng đậm hoặc nâu đen, ấu trùng hình dạng giống trưởng thành có màu trắng vàng đến vàng. Trứng rất nhỏ, hình bầu dục, màu vàng nhạt. Bọ trĩ non mới nở có cơ thể trong suốt, rất nhỏ, chân dài, bụng nhọn, không cánh. Trưởng thành đẻ trứng trong mô lá non. Bọ trĩ trưởng thành và ấu trùng thường sống tập trung ở mặt dưới lá non, gân lá non, ít di chuyển, chích hút dinh dưỡng làm lá biến màu và cong queo. Đọt non bị hại thường sần sùi, cứng và giòn, hai mép lá và chóp lá cong lên. Khi bị hại nặng lá bị vàng và dễ bị rụng, cây phát triển kém. Bọ trĩ thường hiện diện với mật số cao. Vì kích thước bọ trĩ quá nhỏ, nông dân khó thấy bằng mắt thường (nếu không có kính lúp) nên thường lầm tưởng do nấm bệnh gây ra. Bọ trĩ phát sinh nhiều trong mùa nắng, khi thời tiết nóng và khô là điều kiện thích hợp cho bọ trĩ phát triển mạnh. Vòng đời bọ trĩ rất ngắn, nên chúng nhân mật số rất nhanh. 

    Cách phòng trừ bọ trĩ: Quan sát thấy xuất hiện bọ trĩ, dùng máy bơm nước phun mạnh lên tán cây. Khi mật số bọ trĩ cao sử dụng Dầu khoáng SK EnSpray 99 hoặc các loại thuốc như Chess 50WG, Gepa 50WG,... phun kỹ mặt dưới lá. Bọ trĩ rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên.

    Nhện đỏ


    Hình: Nhện đỏ hại cây trồng (Nguồn: Internet)

    Trên mai vàng cũng thường xuyên bị nhện đỏ tấn công. Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp., chúng gây hại trên nhiều loại cây trồng, từ cây ăn trái, rau ăn lá đến cây kiểng. Cơ thể nhện đỏ rất nhỏ (khoảng 0.3-0.4 mm) như mạt gà nên rất khó quan sát để phát hiện chúng xuất hiện trên vườn. Chúng có vòng đời ngắn nên mật số tăng rất nhanh nếu gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nóng và khô hạn). Khi mới nở, nhện đỏ có màu vàng lợt, đến khi lớn chuyển sang màu hồng và đỏ. Nhện trưởng thành và nhện con đều tấn công và gây hại cho cây, chúng cạo lớp biểu bì của lá và sau đó chích hút dịch của lá trên những lá non đến lá già. Khi bị hại nặng, lá non thường nhỏ và xoắn lại, gân lá nổi gồ lên, vết cạp hút để lại những chấm nhỏ li ti, lá có màu vàng bạc và bị rụng, cây còi cọc, kém phát triển, khô và chết. 

    Cách phòng trừ nhện đỏ: Để phòng trừ nhện đỏ nên để vườn thông thoáng, cắt tỉa cành, không để các chậu mai quá khít nhau. Mùa nắng nên thường xuyên tưới nước lên tán lá để tạo độ ẩm cao. Bón phân cân đối, bón tập trung để ra đọt non đồng loạt. Khi cây ra đọt non nên phun xịt thuốc đặc trị nhện như Acrinathrin, Abamectin,… và phối trộn thêm dầu khoáng để tăng khả năng phát tán của thuốc.

    Trên đây là những chia sẻ về Một số sâu bệnh hại trên Mai Vàng và biện pháp phòng trừ. Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng và quản lý vườn Mai của mình hiệu quả!
    Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn:  
    https://phanbontuquy.vn/lien-he
    Xin Cảm Ơn! 

    Zalo
    Hotline