NẤM PHYTOPHTHORA - “KẺ HỦY DIỆT” THỰC VẬT

Mục lục

    NẤM PHYTOPHTHORA - “KẺ HỦY DIỆT” THỰC VẬT

    Ngày đăng: 14/04/2023 05:45 PM

    Nấm bệnh là một trong những tác nhân gây hại và ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Chủng nấm Phytophthora gây nhiều gây hại cho nhiều loại cây trồng khác nhiều trong nhiều giai đoạn sinh trưởng và phát triển.


    Hình: Vi khuẩn Phytophthora quan sát dưới kính hiển vi 

    Đặc điểm của nấm Phytophthora 

    Phytophthora là tác nhân gây bệnh thực vật ký sinh chuyên tính trên toàn thế giới. Tên Phytophthora được xuất phát từ tiếng Hy Lạp. Từ “phyto” là thực vật và “phthora” là kẻ hủy diệt. Phytophthora có nghĩa là “kẻ hủy diệt thực vật”. Có trên 120 loài Phytophthora được biết đến và tất cả đều là mầm bệnh thực vật.

    Phytophthora có thể tạo ra những cấu trúc sinh tồn khác nhau trong tế bào vật chủ bị xâm nhiễm. Những cấu trúc này có thể chịu được điều kiện khô hạn. Chúng tồn tại trong những phần rễ chết hoặc trong đất, chúng có thể tiềm sinh khi gặp điều kiện môi trường bất lợi. Và khi có sự kích thích hoặc điều kiện môi trường ẩm ướt, các cấu trúc này sẽ tạo ra những sợi nấm có thể xâm nhiễm trực tiếp vào rễ hoặc tạo ra những bào tử để phát tán nhờ gió và nước.
    Tốc độ xâm nhiễm và gây hại của nấm Phytophthora nhanh, chỉ 3-5 ngày, do đó chúng rất khó kiểm soát và dễ tạo thành dịch.

    Một số bệnh hại do nấm Phytophthora gây ra

    Bệnh vàng lá thối rễ

    Bệnh do nấm Phytophthora spp. tấn công phần rễ non làm vỏ rễ hư, có mùi thối đặc trưng, vỏ rễ dễ tuột ra khỏi lõi rễ. Tuyến trùng hại rễ cũng tạo điều kiện cho nấm dễ xâm nhập vào trong rễ cây. Nấm tiết ra độc tố làm thối rễ hoặc tắc mạch dẫn làm hư rễ.
    Khi rễ bị hư, cây không hấp thụ được nước và dinh dưỡng dẫn đến lá vàng, rụng và chết dần. Thường thì lá già rụng trước rồi đến các lá non phía trên.

    Bệnh nứt thân chảy nhựa


    Hình: Bệnh nứt thân, chảy nhựa do nấm Phytophthora gây ra (Nguồn: Sưu tầm)

    Bệnh nứt thân chảy nhựa thường xuất hiện trên thân, rễ chính và cành chính, nhất là những bộ phận gần và tiếp xúc với mặt đất. Tác nhân là nấm Phytophthora palmivora gây hại. Bào tử sống trong vùng ẩm ướt xung quanh gốc, trong mương tưới và có roi bơi. Mầm bệnh từ đây có thể lây lan lên cả cây thông qua nước tưới, côn trùng, nước mưa hay dụng cụ làm vườn...
    Ban đầu vết bệnh trên vỏ là những đốm màu nâu đen rỉ nhựa ướt, nặng dần bệnh làm nứt vỏ và chảy nhiều nhựa nâu đỏ. Phần vỏ và gỗ bên dưới chỗ bị bệnh bị chuyển màu hồng nhạt, nâu tím, bó mạch bị thâm đen. Bệnh nặng cây sẽ rụng lá, khô cành và chết dần.

    Bệnh thối trái

    Tác nhân do nấm Phytophthora palmivora gây hại, làm thối đít trái, phần hông trái và gần cuống.
    Vết bệnh đầu tiên là đốm nhỏ có màu hơi đen, sau đó lớn dần có màu đen xám, bệnh làm hư hại phần thịt trái rất nhanh, làm thịt trái bị nhũn ra, có mùi tanh và chua lẫn lộn. Bệnh nặng làm thối cả trái, có nhiều sợi nấm màu trắng bao phủ vết bệnh.

    Loét sọc mặt cạo trên cao su

    Tác nhân do nấm Phytophthora Palmivora gây ra. Triệu chứng đầu tiên không rõ rệt với những sọc nhỏ hơi lõm vào, có màu nâu nhạt ngay trên đường cạo và song song với thân cây. Sau đó, chúng liên kết lại thành từng mảng lớn, lúc này vỏ bị thối nhũn và có mủ cũng như dịch màu vàng rỉ ra từ vết thương, có mùi hôi thối.

    Dưới vết bệnh thường có đệm mủ và những sọc đen trên gỗ, lúc này tượng tầng bị hủy hoại và để lộ gỗ. Khi cây bị bệnh nặng vết bệnh có thể phá hủy toàn bộ mặt cạo và phát triển lên mặt cạo tái sinh cũng như vỏ nguyên sinh hậu quả làm mất diện tích mặt cạo và khó khăn cho việc khai thác sau này.

    Bệnh cháy lá thân và khô đọt trên họ bầu bí

    Do nấm Phytophthora sp. gây ra. Bệnh gây hại nặng trên ruộng trồng dày, ngập úng, khó thoát nước trong mùa mưa.
    Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân. Bệnh gây hại ở bất kỳ vị trí nào trên lá, nhưng thường từ rìa lá vào, vùng bệnh như bị úng nước, chuyển sang màu đen và thối nhũn. Trên trái bệnh chỉ gây hại trên trái non làm trái bị thối đen và nhũn ra. Ở thân, bệnh thường gây hại ở phần cổ rễ làm nơi đây bị úng nước mất màu, sau đó chuyển sang màu nâu đen nhũn ra và gây thối cả rễ, làm cây chết.

    Bệnh mốc sương (héo muộn) trên khoai tây, cà chua

    Do nấm Phytophthora Infestans gây ra trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ thấp.
    Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở mép lá chóp lá, tạo vết xám xanh nhạt sau đó lan rộng vào phiến lá. Phần giữa vết bệnh chuyển sang màu nâu đen và xung quanh vết bệnh thường có lớp cành bào tử màu trắng xốp bao phủ như một lớp mốc trắng như sương muối làm cho lá chết lụi nhanh chóng. 
    Bệnh hại ở cuống lá, cành và thân, lúc đầu là vết nâu hoặc thâm đen, sau đó lan rộng bao quanh và kéo dài thành đoạn. Bệnh làm cho thân cành thối mềm và dễ bị gãy gục. 

    Thông thường, Củ Khoai Tây cũng bị nấm gây hại, chuẩn đoán bệnh ở ngoài củ thường dễ nhầm lẫn với một số bệnh thối củ cùng gây hại. Khi chuẩn đoán cắt ngang chỗ bị bệnh: Bệnh do nấm mốc sương có vết nâu xám ở phần vỏ củ, đôi khi còn xen kẽ các vết nâu ăn sâu vào ruột củ.

    Trên đây là một số thông tin về nấm Phytophthora và một số bệnh do nấm Phytophthora trên cây trồng, Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng để bảo vệ vườn và đảm bảo được năng suất mùa vụ.
    Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn: https://phanbontuquy.vn/lien-he
    Xin Cảm Ơn!

    Zalo
    Hotline