GIẢI PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI

Mục lục

    GIẢI PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH VÀNG LÁ GÂN XANH TRÊN CÂY CÓ MÚI

    Ngày đăng: 27/09/2022 02:22 PM

    Bệnh vàng lá gân xanh (VLGX) được biết đến ở ĐBSCL từ những thập niên 70 của thế kỷ trước. Đến giữa thập niên 1990, bệnh này bùng phát mạnh và bệnh được mô tả như sau: cây bị bệnh còi cọc, thân thấp hơn cây bình thường. Triệu chứng trên lá ở mức độ sơ cấp bắt đầu từ vài lá bị vàng trên những cành bánh tẻ, kích thước bình thường, phiến lá lốm đốm vàng trên nền xanh sẫm, rõ nét trong mùa mưa tại vùng ĐBSCL. 


    Nguồn: Internet

    Trong báo cáo tổng kết đề tài: “Kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm làm tăng khả năng chống chịu bệnh vàng lá gân xanh của cây có múi và hạn chế sự phát triển của bệnh (Nguyễn Bảo Vệ, vào năm 2001 và 2003)” đã đưa ra một biện pháp canh tác tổng hợp là làm cho bệnh VLGX không có cơ hội lan rộng, mầm bệnh bị cô lập và thu hẹp dần, như đốn bỏ cây bị bệnh nặng thay bằng những cây sạch bệnh, tỉa cành bệnh, diệt rầy chổng cánh, làm cây sung mãn để khu trú mầm bệnh,… để từng bước khôi phục lại vườn cây có múi được nông dân chấp nhận. Những vấn đề là làm thế nào để xã hội hóa biện pháp này, làm cho nông dân trồng cây có múi hiểu biết về bệnh, và cùng thực hiện biện pháp phòng chống tổng hợp có hiệu quả. Biện pháp này cần được cùng thực hiện trên diện tích lớn mới đảm bảo ngăn chặn nguồn bệnh lây lan. Để loại trừ dần bệnh VLGX, cần phải áp dụng: “Biện pháp canh tác tổng hợp” gồm những biện pháp sau:

    Biện pháp “Loại bỏ nguồn bệnh”

    Đến nay chưa có giống cây có múi kháng bệnh và cũng chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu bệnh VLGX. Nhưng rất may mắn là vi khuẩn gây bệnh Liberobacter asiaticum không phát tán qua gió, nguồn nước, đất hay nông cụ cắt tỉa mà chỉ lây nhiễm bằng 2 con đường là: lây qua nhân giống vô tính và qua rầy chổng cánh. Để vườn cây có múi sạch bệnh dần, cần thiết phải loại bỏ sớm nguồn bệnh đang có ra khỏi vườn khi mới xuất hiện.


    Hình: Rầy Chổng Cánh (Nguồn Internet)
        Có ý kiến cho rằng, cần phải loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vùng sản xuất bằng cách đốn sạch cây có múi, bỏ không trồng nhiều năm, sau đó mới trồng lại. Đây là biện pháp khó mà thực hiện được. Do đó, chỉ có thể dùng biện pháp loại bỏ dần nguồn bệnh như sau:

    1. Đốn bỏ cây bệnh nặng: Cây có múi bị bệnh nặng cần phải đốn bỏ ngay. Nghĩa là những cây có triệu chứng bệnh ở thời kỳ 2 và 3 (lá có triệu chứng vàng gân xanh rất rõ, kích thước nhỏ và chết cành), những cây này rất dễ nhận diện.
    2. Cắt bỏ nhánh bệnh: Kết quả điều tra cho thấy, nếu cắt sớm kịp thời những nhánh cây có múi bị bệnh, có thể loại bỏ mầm bệnh ra khỏi cây. Nhánh mới mọc lên từ chỗ cắt, vẫn khỏe mạnh bình thường. Có lẻ sự di chuyển của vi khuẩn Liberobacter asiaticum từ đọt non vào thân chính khá chậm chạp. Nhưng thường người dân không cắt bỏ ngay, mà chờ thu trái trên cành đó, vì triệu chứng bệnh mới xuất hiện chưa ảnh hưởng đến phẩm chất và sản lượng trái, có thể do mật số vi khuẩn chưa cao. Cắt bỏ chậm cành bệnh có nhiều bất lợi cho nhà vườn, vì sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào thân chính và di chuyển đến những nhánh khác của cây và làm hư luôn cả cây, không cứu chữa được sau này. Đồng thời, rầy chổng cánh cũng tạo điều kiện để chích hút mầm bệnh truyền qua cây mạnh khác trong vườn. Do đó, nhà vườn phải đi thăm vườn thường xuyên, ít nhất một tuần một lần và quan sát kỹ. Cắt bỏ cành bệnh ngay khi phát hiện và cắt sâu vào gần đến thân chính.

    Biện pháp “Trồng cây sạch bệnh”

    Vi khuẩn gây bệnh VLGX (Vàng Lá Gân Xanh) sống trong ống mạch dẫn nhựa luyện của cây, nên việc nhân giống bằng cách tháp, chiết, giâm cành (nhân giống vô tính) từ vật liệu lấy ở cây đã nhiễm bệnh sẽ cho ra nhiều cây con có bệnh. Tuy nhiên, bệnh không lây truyền qua nhân giống hữu tính, nghĩa là lấy hạt ở trái bị bệnh đem ươm sẽ cho ra cây con không mang mầm bệnh.
        Nghiên cứu sử dụng mắt tháp cành bệnh VLGX của quýt, ghép lên gốc cam mật thì xuất hiện triệu chứng bệnh ở 20% cây, thời gian ủ bệnh là 4 tháng. Nếu mắt tháp lấy từ cây cam mật bị bệnh, tháp lên gốc cam mật sẽ có triệu chứng bệnh muộn hơn, tỷ lệ nhiễm 30% sau 5 tháng ủ bệnh. Như vậy, do vi khuẩn gây bệnh phân bố không đều trong ống dẫn nhựa nên tỷ lệ lây nhiễm có thể biến động nhiều ít khác nhau, tỷ lệ này có thể lên đến 70-80%. Bùng nổ diện tích canh tác cây có múi kéo theo khan hiếm cây giống, thúc đẩy tận dụng cả những cây có bệnh để lấy mắt tháp hoặc cành chiết làm ra cây con. Mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất bấp bênh về năng suất và phẩm chất trái sau này. Đặc biệt bệnh VLGX có điều kiện phát tán nhanh chóng và rộng khắp.
        Do đó, để đảm bảo vườn trồng được sạch bệnh nông dân cần phải mua cây giống ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, ở những cơ sở này giá có thể cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất. Nông dân cũng có thể tự nhân giống bằng các phương pháp tháp, chiết cành để giảm chi phí, nhưng cần phải đảm bảo nguồn giống được tuyển chọn từ những cây sạch bệnh.

    Biện pháp “diệt trừ tác nhân truyền bệnh: Rầy chổng cánh”

    Bệnh VLGX không những lây truyền qua con đường nhân giống mà còn lây truyền qua côn trùng môi giới là rầy chổng cánh Diaphorina citri. Cả hai thành trùng và ấu trùng đều có khả năng truyền bệnh. Rầy mang mầm bệnh không truyền qua trứng của nó. Vi khuẩn Liberobacter asiaticum lưu tồn và nhân mật số trong tuyến nước bọt và tồn tại trong cơ thể rầy trong suốt vòng đời của chúng. Do đó, trong canh tác cây có múi cần phải loại trừ dần rây chổng cánh.
        Trứng rầy chổng cánh có màu vàng dạng quả lê, được đẻ trên kẹt lá của chồi non, thường dính thành chùm 3-5 trứng, đôi khi rải rác trên chồi. Giai đoạn trứng trung bình 4 ngày, biến động từ 3-7 ngày. Ấu trùng có màu vàng cam, vàng xanh đến đen tùy theo tuổi. Giai đoạn này kéo dài khoảng 25 ngày. Thành trùng có màu xám đen. Chiều dài từ đầu đến cuối cánh 2.5-3 mm. Con cái sau vài ngài vũ hóa sẽ bắt cặp và đẻ trứng, chúng có thể tiếp tục sống hơn 1 tháng để gây hại và truyền bệnh. Khi đậu, thân rầy nghiêng thành 1 gốc 30 độ so với mặt lá. Vòng đời rầy chổng cánh thường 8 tuần, trên cam mật trung bình 58 ngày. Rầy chổng cánh một năm có thể cho nhiều lứa tùy vùng khác nhau, ở nước ta thường 10-15 lứa/năm.
        Bọ rùa, nhện, ong và kiến vàng là những thiên địch của rầy chổng cánh cần được nuôi dưỡng để diệt trừ rầy. Kiến vàng ăn trứng của rầy chổng cánh và quấy rối chúng định cư trên đọt non của cây có múi. Mỗi vườn cây có múi cần phải nuôi và có chăm sóc kiến vàng để diệt trừ rầy chổng cánh.
        Vì trứng rầy chổng cánh được đẻ trên những chồi non và ấu trùng phát triển trên những lá non, nên mật số rầy chổng cánh có liên quan chặt chẽ với nhịp độ ra chồi non. Ở ĐBSCL, mật số rầy tăng cao ở tháng 5, tháng 6 và duy trì đến cuối mùa mưa, vì trong thời gian này cây có múi ra chồi thường xuyên. Trong canh tác cần áp dụng biện pháp bón phân và tưới nước, nhất lá phân đạm, để điều khiển cho vườn cây có múi ra chồi non đồng loạt. Khi vườn cây có múi bắt đầu ra chồi non, cần đặt bẫy để theo dõi sự xuất hiện của rầy chổng cánh. Bẫy là một miếng plastic phẳng màu nâu-vàng, dài 25 cm và rộng 15 cm, được bao bọc bởi nilon có phủ bên ngoài một lớp keo. Đặt khoảng 5 cái bẫy rải rác trong vườn và cao khoảng ngang đầu. Hằng ngày quan sát bẫy cũng như các đọt non để kiểm tra sự xuất hiện của rầy. Khi có rầy, tiến hành phun ngay theo phương pháp 4 đúng, một trong những loại thuốc sau đây: Admire 50 EC, Baythroid 50 SL, Pecena 106 SC…
        Khi cây không còn chồi non nên thành trùng rầy chổng cánh ít hoặc không đẻ trứng trên cây có múi mà tập trung đẻ trứng trên những cây ký chủ phụ như cần thăng, nguyệt quế, kim quýt, dây tơ hồng… để tiếp tục sinh sống, đây cũng là nơi rầy sinh sống và bảo tồn trong mùa khô. Do đó, phải loại bỏ ký chủ phụ trong vườn hoặc theo dõi và diệt trừ chúng như trên cây có múi. Cũng có thể sử dụng ký chủ phụ như mồi dụ rầy chổng cánh tập trung vào đây và phun thuốc tiêu diệt.

    Biện pháp “Làm cho cây sung mãn”

    Kết quả điều tra và khảo sát cho thấy: Cây có múi bị thiệt hại do bệnh VLGX trở nên trầm trọng hơn khi cây bị suy yếu, chẳng hạn như cây mang quá nhiều trái, xiết nước cho cây ra hoa quá độ, cây thiếu chăm sóc, hoặc bị ngập do lũ lụt… Điều này có liên quan đến sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa vi khuẩn Liberobacter Asiaticum và cây, đồng thời cũng có liên quan đến khả năng khu trú bệnh khi cây suy yếu. Do đó, cây phải được làm cho sung mãn để giảm thiệt hại đồng thời hạn chế phát tán bệnh trong bản thân cây bệnh. Một vài biện pháp kỹ thuật cần lưu ý:

    Xiết nước ra bông hạn chế:

    ​​​​Có trên 80% vườn cây có múi áp dụng phương pháp xiết nước để cây ra bông và nhà vườn thường tiến hành trong mùa khô. Sau khi dứt mưa, nhà vườn rút nước ra khỏi mương vườn, không tưới. Thời gian xiết nước thay đổi tùy loại cây, trung bình từ 1-1.5 tháng. Khi cây có triệu chứng héo thì bón phân, chủ yếu là phân đạm, đưa nước vào mương vườn và tưới đẫm. Phương pháp này rất có hiệu quả để cây có múi ra hoa. Tuy nhiên những ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây là rất lớn, chẳng hạn như: cây thiếu nước rối loạn về dinh dưỡng, quang hợp, mau già cỗi,... thiếu nước rễ sẽ ăn xuống sâu và bị chết khi đưa nước vào mương tưới lại; cây mang quá nhiều bông, trái làm nguồn dinh dưỡng của cây bị cạn kiệt.
    Vì vậy, phương pháp xiết nước hạn chế nên được áp dụng, không để cho cây bị thiếu nước trầm trọng, gây xào rụng lá. Không để mực nước trong mương xuống quá thấp trong lúc xiết nước gây chết rễ lúc tưới trở lại, giữ mực nước ổn định khoảng 60-80cm cách mặt liếp.

    Phun Phân Kẽm:

    Tất cả các vườn cây có múi đều bón phân NPK. Kết quả phân tích lá cho thấy hầu hết các vườn cây có múi có hàm lượng N, P, K, Ca và Mg ở ngưỡng thích hợp. Tuy nhiên, hàm lượng Kẽm trong lá ở ngưỡng thiếu. Bệnh thiếu kẽm là một bệnh rất phổ biến ở những vùng trồng cây có múi, nhất là khi cây bị bệnh VLGX. Do đó, cần thiết phải phun Kẽm lên lá non cây có múi khi lấ có chiều dài 1-2 cm.
    Sản phẩm “Siêu Kẽm++” với hàm lượng Kẽm cao giúp cung cấp đầy đủ nhu cầu về Kẽm của cây có múi. Sử dụng với liều lượng 500 ml Siêu Kẽm++ pha với 200 lít nước phun cho cây khi ra đọt non và khi cây có hiện tượng thiếu Kẽm. 


    Tham khảo sản phẩm Tứ Quý Siêu Kẽm+++ Tại Đây

    Làm cho đất thoáng khí:

    Bộ rễ của cây có múi rất mẫn cảm với việc thiếu oxy trong tầng đất canh tác. Do đó, mực nước trong vườn cần phải giữ ổn định, cách mặt liếp khoảng 60 cm.
    Đất ĐBSCL có hàm lượng sét cao, dễ bí chật nên có thể bón 7-8 tấn phân hữu cơ/ha/năm. Để tránh đất bị lèn mặt, rửa trôi và cung cấp thêm chất hữu cơ cho đất thì nên để cỏ trên mặt liếp và định kỳ cắt tại chỗ. Chỉ vét bùn mương trong mùa nắng và đắp thành lớp mỏng trên liếp để mau khô. Cần lưu ý đến lớp đất có phèn dưới đáy mương, tránh đưa chúng lên liếp gây hại cho cây trồng.

    Bón phân cân đối:

    Người nông dân thường bón phân chưa cân đối và hợp lý cho vườn cây có múi, dẫn đến có dưỡng chất dư thừa như đạm nhưng ngược lại cũng có dưỡng chất bị thiếu như Kali, Canxi,… Bón phân phải bón theo nhu cầu của cây từng thời kỳ. Sau khi thu hoạch, cây cần phải tạo ra khung tán và đủ bộ lá nuôi trái vụ tiếp, cần bón cân đối N, P, K, Ca,… nhất là cần nhiều N. Khi cây chuẩn bị ra bông thì cần bón nhiều Lân đẻ cây tạo mầm hoa và thụ phấn tốt sau này. Khi cây đã đậu trái và trong thời gian trái phát triển thì chất Kali và Canxi được bón nhiều để tăng phẩm chất. Có như vậy thì cây mới đảm bảo sung mãn, kháng bệnh tốt.

    Trên đây là một số thông tin và biện pháp phòng trừ bệnh Vàng Lá Gân Xanh Trên Cây Có Múi, Tứ Quý hy vọng với những thông tin hữu ích này, bà con có thể vận dụng và quản lý vườn cây của mình hiệu quả!
    Mọi chi tiết thắc mắc vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo đường dẫn: 
     https://phanbontuquy.vn/lien-he
    Xin Cảm Ơn!

     

        

     

    Zalo
    Hotline